Lịch sử Hệ thống bảo tàng Paris

Một phòng trưng bày của Louvre vào khoảng thời gian thành lập

Những bảo tàng đầu tiên trên thế giới xuất hiện ở châu Âu vào thời kỳ Khai sáng. Ashmolean Museum, thành lập năm 1683 tại Oxford, có thể được xem như bảo tàng công cộng đầu tiên trong lịch sử, nơi công chúng trả tiền và chiêm ngưỡng các hiện vật.[1] Bảo tàng Anh ở London thành lập năm 1753 nhờ bộ sưu tập của nhà vật lý Hans Sloane, tới năm 1759 cũng mở cửa đón tiếp công chúng.[2] Tại Paris, từ năm 1750, một cuộc triển lãm các tác phẩm hội họa thuộc bộ sưu tập của hoàng gia được tổ chức tại cung điện Luxembourg và gây được tiếng vang lớn.[3] Thành công của sự kiện này đã thúc đẩy ý định xây dựng một bảo tàng trưng bày thường xuyên, nhưng trong suốt đêm trước của Cách mạng không một dự án nào thành hiện thực. Phải đợi đến ngày 10 tháng 8 năm 1793, nhân dịp kỷ niệm sự sụp đổ của nền quân chủ, Bảo tàng Louvre mới được mở cửa đón công chúng vào chiêm ngưỡng những bộ sưu tập trước đó thuộc về hoàng gia.[4] Tiếp bước Louvre, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia được thành lập cũng trong năm 1793, Musée des arts et métiers mở cửa năm 1794 và Musée des monuments français ra đời vào năm 1795. Trong những năm đầu thế kỷ 19, khi quân đội của Napoléon chinh chiến khắp châu Âu, không ít những bộ sưu tập nghệ thuật và khảo cổ giá trị đã được đem về các bảo tàng Pháp. Sau khi Đệ nhất đế chế sụp đổ vào năm 1814, nhiều hiện vật được trả về với những chủ nhân cũ, một số khác vẫn nằm lại trong các bảo tàng của Paris.

Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Paris chứng kiến sự ra đời của nhiều bảo tàng mới, trong đó có cả những bảo tàng tư nhân. Năm 1882, từ ý tưởng "giới thiệu" các nhân vật nổi tiếng đến với công chúng, phóng viên Arthur Meyer và họa sĩ biếm họa Alfred Grévin đã thành lập nên bảo tàng sáp Grévin.[5] Năm 1889, Bảo tàng Guimet mở cửa với bộ sưu tập về nghệ thuật châu Á của nhà công nghiệp Émile Guimet, người đã thực hiện nhiều chuyến đi tới Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản để sưu tầm hiện vật.[6] Một số bảo tàng khác như Jacquemart-André, Rodin... được thành lập từ những bộ sưu tập cá nhân do các nghệ sĩ nổi tiếng hoặc những nhà hảo tâm tặng lại. Chính quyền thành phố Paris cũng có được bảo tàng riêng đầu tiên vào năm 1880, Bảo tàng Carnavalet, dành cho các hiện vật về lịch sử của thành phố. Sau cuộc triển lãm thế giới 1900, cung điện Petit Palais trở thành bảo tàng mỹ thuật, trưng bày nhiều tác phẩm do thành phố Paris sở hữu. Những thập niên đầu thế kỷ 20 còn là khoảng thời gian Paris mua và được tặng nhiều bộ sưu tập nghệ thuật giá trị. Năm 1961, Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại thành phố Paris nằm trong Palais de Tokyo được mở cửa.[7]

Cuối thế kỷ 20, các vị tổng thống của nền Đệ ngũ cộng hòa lần lượt tặng cho Paris những bảo tàng mới. Bắt đầu từ Georges Pompidou, người ngay từ khi lên nhậm chức đã quyết định xây dựng một trung tâm dành cho văn hóa và nghệ thuật hiện đại ở giữa Paris cổ kính. Trung tâm Georges-Pompidou hoàn thành vào năm 1977, sau khi Pompidou đã qua đời, được đặt tên vinh danh vị tổng thống quá cố. Vào thập niên 1970, bộ sưu tập những tác phẩm nghệ thuật thế kỷ 19 nằm rải rác trong các bảo tàng của Pháp. Những họa phẩm ấn tượng trưng bày tại Bảo tàng Jeu de Paume khiến nơi đây trở nên chật trội vì lượng khách thăm quá lớn.[8] Năm 1973, Tổng thống Valéry Giscard d'Estaing quyết định thành lập Bảo tàng Orsay, nơi dành cho nghệ thuật châu Âu từ giữa thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Nhà ga cũ Orsay bên bờ sông Seine được tu sửa lại, cuối năm 1986 bắt đầu mở cửa đón tiếp công chúng. Cũng trong năm 1986, Cité des sciences et de l'industrie được khánh thành ngày 13 tháng 3 trong công viên La Villette.[9] Với dự án Grand Louvre bắt đầu thực hiện từ năm 1981, François Mitterrand đã đem lại cho Bảo tàng Louvre một gương mặt mới. Bộ Tài chính được chuyển về khu phố Bercy, toàn bộ cung điện được dành cho bảo tàng, các sân Marly, Puget và Khorsabad lợp mái kính trở thành không gian trưng bày lý tưởng cho các tác phẩm cỡ lớn. Kim tự tháp kính nằm trên sân Napoléon, tác phẩm của kiến trúc sư Ieoh Ming Pei, khánh thành ngày 30 tháng 3 năm 1989, trở thành lối vào chính của bảo tàng. Năm 1996, Tổng thống Jacques Chirac quyết định xây dựng một bảo tàng mới ở Paris dành cho những nền văn minh ngoài châu Âu, ý tưởng đến từ cuộc gặp gỡ với nhà sưu tầm nghệ thuật Jacques Kerchache. Mặc dù dự án này—với ý định lấy đi nhiều hiện vật của Bảo tàng Con người—vấp phải những phản đối mạnh mẽ, nhưng Bảo tàng Quai Branly vẫn được khánh thành vào 20 tháng 6 năm 2006 và nhanh chóng giành được thành công.[10] Nằm bên bờ sông Seine, trong tòa nhà do kiến trúc sư Jean Nouvel thiết kế, bảo tàng đã đón gần 1,4 triệu lượt khách năm trong năm 2008, trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất của Paris.[11]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hệ thống bảo tàng Paris http://books.google.com/books?id=9DN5N9IRrzYC&dq=i... http://books.google.com/books?id=efLwsMjs2-AC&dq=i... http://books.google.com/books?id=i4oA2tB9lSsC&dq=i... http://www.nytimes.com/2006/06/22/arts/design/22qu... http://www.parisinfo.com/sites-culturels/7/armee-m... http://www.parisinfo.com/uploads/13//Culture%20et%... http://www.parisinfo.com/uploads/19//frequentation... http://www.parisinfo.com/uploads/23//Expositions%2... http://www.mnhn.fr/museum/foffice/tous/tous/HistNa... http://www.paris.fr/portail/Culture/Portal.lut?pag...